Dược lý và cơ chế tác dụng Chất_kháng_nọc_độc

Chất kháng nọc độc được tạo ra từ nọc độc lấy từ rắn, nhện hoặc côn trùng tương ứng. Độc được làm loãng và tiêm vào ngựa, cừu hoặc dê. Vật chủ sẽ trải qua quá trình phản ứng miễn dịch với độc, sinh ra kháng thể chống lại chất độc. Những kháng thể này có thể được lấy từ máu của vật chủ và dùng để trị thương do nọc độc.

Phương pháp sử dụng huyết thanh để điều trị nạn nhân bị rắn độc cắn đã có từ cuối thế kỷ 19. Đây được xem là phương pháp điều trị có hiệu quả và phổ biến nhất, tính đặc hiệu trong kháng nọc của nó giúp giảm tỷ lệ tử vong khoảng bảy - mười lần.

Có nhiều loại nọc rắn tuỳ theo loài rắn và vùng địa lý mà chúng cư trú. Do đó cần phải dùng một huyết thanh đặc hiệu đối với một hoặc nhiều loại nọc độc. Như nọc độc của rắn hổ mang (Cobra) thường có độc tố thần kinh gây ức chế các trung tâm thần kinh; nọc độc của rắn hổ lục thường tác động qua độc tố hemotoxin gây rối loạn đông máu...[1]